Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thái Hòa

VietNews

Giải ngân đầu tư công vẫn tắc, vì sao?

Đến thời điểm này tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm, nhiều bộ, ngành thậm chí còn chưa có kế hoạch giải ngân.

Đầu tư công vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải

Trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, việc thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Nhiều bộ, ngành thậm chí còn chưa có kế hoạch giải ngân.

 

13 bộ, cơ quan chưa có kế hoạch giải ngân

Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).

Trong đó nguồn vốn vay nước ngoài giải ngân rất chậm, đạt hơn 8% kế hoạch cả năm. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA là rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (12,37%).

Thống kê cho thấy, hiện có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch, trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%), Kiểm toán Nhà nước (46,89%), Nam Định (45,17%), Thanh Hóa (44,39%), Hà Nam (41,46%).

Cùng với đó, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 39/50 bộ, cơ quan trung ương và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó có 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Cùng với giải ngân chậm trễ, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ Tài chính, báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho thấy tỷ lệ còn thấp là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã khiến tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ. Do không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán dẫn đến việc giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng. Giá cả vật liệu tăng cao đột biến cũng ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp có nguyên nhân là sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, đặc biệt là song phương.

Ngoài ra, dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ cấu vốn do không được phép sử dụng vốn vay nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian...

Người đứng đầu phải quyết liệt

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, năm 2020 giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh vì đây là năm cuối giai đoạn 2016 - 2020 nên sức ép giải ngân rất lớn. Tuy vậy, bước sang năm 2021, tình trạng như các năm trước là đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp, cuối năm giải ngân nhiều tiếp tục diễn ra.

Theo ông Phương, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trong đó, khối lượng thực hiện các tháng đầu năm chưa được nhiều, hoặc chưa có khối lượng giải ngân.

Nhiều bộ, ngành và địa phương tiếp tục giải ngân phần vốn năm 2020 kéo dài. Bên cạnh đó, đầu năm là thời điểm chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt tay vào chuẩn bị như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán...

Đối với dự án không có cấu phần xây dựng như mua sắm công thường chỉ thanh toán một lần tới khi hàng hóa, thiết bị được nhập về nên giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ tăng vọt vào thời điểm đó. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giải ngân vốn đầu tư công của những dự án không có phần cấu phần xây dựng rất thấp.

Ngoài ra, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công còn do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao vốn chưa quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, chưa sát sao xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.

“Điều này lý giải vì sao trong cùng một hệ thống pháp luật, có những bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao, song vẫn có tới 39/50 bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%, ông Phương nói và cho rằng, cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện dự án, nhất là sự quyết liệt của người đứng đầu đơn vị được giao vốn.

Ông Phương cho biết, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ngoài tiến độ, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục cắt giảm thêm số dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương; đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm chạy dự án, để hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

“Tín hiệu tích cực là sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ ngành địa phương đã triển khai và đến thời điểm này, các địa phương, bộ ngành đã công bố danh sách cắt giảm lên tới hơn 1.000 dự án. So với yêu cầu cắt giảm khoảng 1.500 dự án của Thủ tướng, con số cắt giảm đến thời điểm này về cơ bản đã đạt mục tiêu đặt ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ”, ông Phương khẳng định.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính cũng cho biết đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ GPMB, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn gắn với trách nhiệm người đứng đầu...

Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung tối đa cho nhiệm vụ đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Nhắc tới tình trạng đầu tư công vẫn chậm giải ngân, nhiều cơ quan, địa phương chưa báo cáo về các vướng mắc thể chế theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm của người đứng đầu, chưa gương mẫu, chưa xem việc này là trọng tâm, trọng điểm. Trong khi các nhiệm vụ này vừa là động lực cho tăng trưởng, vừa phục vụ cho 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII, vừa phục vụ đời sống nhân dân”.

(Nguồn tin: https://www.baogiaothong.vn/)

TỶ GIÁ