Kết thúc 9 tháng đầu năm, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ghi nhận 8.915 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 353,6 tỷ đồng, bằng 35% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Thời gian qua, Vinaconex đã hoàn thành và bàn giao hàng loạt công trình trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… Việc này không chỉ giúp Vinaconex tăng doanh thu mà còn giúp dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tổng công ty trong 9 tháng đầu năm dương 2.192 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2022 âm 1.791 tỷ đồng. Ngoài điểm sáng về dòng tiền kinh doanh, nợ vay của Vinaconex cũng giảm 14% so với thời điểm đầu năm.
Kể từ đầu năm đến nay, trong vai trò thành viên liên danh, Vinaconex trúng nhiều gói thầu lớn tại các dự án cao tốc (Bãi Vọt - Hàm nghi, Vân Phong - Nha Trang, Hà Giang - Tuyên Quang…) và dự án hạ tầng có tổng giá trị hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Vinaconex cũng góp mặt trong Liên danh trúng Gói thầu 5.10 (35.000 tỷ đồng) và Gói thầu 4.6 (7.200 tỷ đồng) thuộc Dự án Sân bay Long Thành.
Không riêng Vinaconex, hàng loạt dự án đầu tư công lớn được triển khai giúp các doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành… cũng liên tiếp được công bố trúng nhiều gói thầu giao thông quy mô lớn.
Từ đầu năm đến nay, Giao thông Đèo Cả đã trúng các gói thầu XL1, XL2, XL3 thuộc Dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với tổng giá trị 14.700 tỷ đồng, trong đó phần giá trị công việc Đèo Cả thực hiện tương ứng 1.790 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đèo Cả cũng đang thực hiện nhiều gói thầu thuộc các dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Mở rộng đèo Prenn, Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Đường ven biển Bình Định với tổng giá trị hợp đồng liên danh khoảng 5.300 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đường sắt, tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch đến năm 2030 là 240.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM và triển khai các tuyến, đoạn tuyến đường sắt mới tăng cường kết nối. Với lĩnh vực hàng không, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng với dự án trọng điểm là Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng quy mô đầu tư 339.000 tỷ đồng
Hoạt động xây lắp cùng với thế mạnh quản lý vận hành 15 trạm thu phí BOT trên cả nước đã giúp doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 của Giao thông Đèo Cả tăng trưởng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.825 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 33,7% lên 356,8 tỷ đồng. Đèo Cả cho biết, Công ty đã và đang tham gia vào nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm: chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân, Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Mở rộng hoạt động đầu tư cũng đồng nghĩa nhu cầu vốn của doanh nghiệp là rất lớn. Mới đây nhất, HĐQT Giao thông Đèo Cả đã thông qua phương án huy động 823 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho các cổ đông. Một phần số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ ngân hàng. Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của Công ty là 36.520 tỷ đồng, trong đó nợ vay ở mức 20.325 tỷ đồng.
Việc tham gia thực hiện các công trình giao thông lớn đang có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Cienco 4 khi doanh thu các quý của doanh nghiệp này liên tục tăng, từ mức 460 tỷ đồng quý I/2023 lên 621,6 tỷ đồng và 711,1 tỷ đồng trong 2 quý sau đó. Lũy kế 9 tháng năm 2023, Cienco 4 lãi trước thuế 122,2 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, nợ vay của doanh nghiệp này cũng giảm 14,6% so với đầu năm, còn 3.024 tỷ đồng.
Thời gian qua, Cienco 4 trúng nhiều gói thầu lớn thuộc các dự án: cao tốc Bùng - Vạn Ninh, cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, Vành đai 4 - Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 - TP.HCM. Mới đây nhất, nhà thầu này cùng 3 nhà thầu khác đã liên danh trúng Gói thầu XL03 thuộc Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá 2.974 tỷ đồng, đồng thời góp mặt tại Gói thầu 4.6 (7.200 tỷ đồng) của Dự án Sân bay Long Thành. Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo Cienco 4, khối lượng công việc đủ cho Công ty hoạt động trong 3 năm.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỷ đồng, gồm các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM… Còn sau giai đoạn 2030 sẽ triển khai một số tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, phía Bắc, phía Nam và các tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong lĩnh vực đường sắt, tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch đến năm 2030 là 240.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM và triển khai các tuyến, đoạn tuyến đường sắt mới tăng cường kết nối. Với lĩnh vực hàng không, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng với dự án trọng điểm là Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng quy mô đầu tư 339.000 tỷ đồng (gồm 109.000 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 2021 -2030 và 230.000 tỷ đồng giai đoạn 2031 - 2050). Đây sẽ là nguồn công việc đáng kể cho các doanh nghiệp xây dựng trong nhiều năm tới.
Năm 2024 là năm thứ 4 của kỳ kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và là năm bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm kế tiếp 2026 - 2030. Theo Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, nguồn vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm này. Những doanh nghiệp có năng lực thi công tốt, khả năng huy động máy móc, thiết bị hợp lý và nguồn vốn dồi dào sẽ được trao các dự án/công trình xứng đáng để triển khai và tạo giá trị.
(Nguồn tin: https://baodauthau.vn/)