|
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Lễ họp báo
Cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên năm 2017 vừa diễn ra tại TP.HCM
|
Có thể nói, 10 năm là chặng đường không ngắn đối với một doanh nghiệp cũng như sự phát triển của thị trường chứng khoán
Việt Nam. Cũng từng ấy năm, Ban Tổ chức cuộc bình chọn Báo cáo thường
niên đã liên tục nâng cao tiêu chí lựa chọn Báo cáo thường niên vào
vòng sơ khảo, đồng thời tăng dần mức độ khắt khe trong việc chấm điểm
nhằm chọn ra các Báo cáo thường niên tốt nhất để trao giải.
10 năm kết hợp giữa chiến lược và cách
thức truyền thông sâu rộng, có vinh danh biểu dương, có sự góp ý xây
dựng thẳng thắn từ các thành viên Hội đồng Bình chọn, Ban Tổ chức đã
thực hiện được mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nâng cao chất
lượng Báo cáo thường niên - một tài liệu phục vụ công tác quan hệ nhà đầu tư theo hướng chuẩn mực, công khai và minh bạch.
Nhìn lại chặng đường 10 năm, từ chỗ gần
như chưa có Báo cáo thường niên nào đạt được điểm khá và hầu hết Báo cáo
thường niên rất sơ sài trong những năm đầu, đến nay, Cuộc Bình chọn có
tới 20 doanh nghiệp có Báo cáo thường niên đạt 75% tổng số điểm tối đa
trở lên - một mức điểm đủ độ tin cậy theo thông lệ của thế giới. Trong
số này, có cả những doanh nghiệp thời gian đầu không quan tâm đến Cuộc
Bình chọn. Chỉ khi đối thủ lớn nhất trên thị trường đạt giải thưởng cao,
tạo sự đối lập về danh tiếng, thương hiệu, thì họ mới bắt đầu ý thức,
thực sự đầu tư cho Báo cáo thường niên và quan tâm đến Cuộc Bình chọn.
Có thể nói, chặng đường 10 năm của Cuộc
Bình chọn đã đi từ không đến có: không được sự quan tâm của doanh
nghiệp, cho đến có được những doanh nghiệp coi Cuộc Bình chọn là thước
đo, là kim chỉ nam trong việc nâng cao chất lượng Báo cáo thường niên
của mình. Nhưng vẫn phải nói rằng, kết quả đạt được 10 năm qua còn rất
nhỏ so với kỳ vọng của Ban Tổ chức, cũng như với yêu cầu đặt ra trong
cạnh tranh thu hút vốn từ một thị trường chứng khoán đang phấn đấu nâng
hạng thành thị trường mới nổi như Việt Nam. Hơn thế, con số 20 doanh
nghiệp có Báo cáo thường niên đạt 75% điểm tối đa, hay 50 Báo cáo thường
niên được bình chọn tốt nhất thường phải có trên 50% điểm tối đa cũng
còn rất khiêm tốn so với con số 700 doanh nghiệp niêm yết. Điểm đáng nói
nữa là một số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa niêm yết hiện chưa quan
tâm nâng cao chất lượng Báo cáo thường niên, cũng như công tác truyền
thông minh bạch thông tin nói chung.
Con số 20 doanh nghiệp có Báo
cáo thường niên đạt 75% điểm tối đa, hay 50 Báo cáo thường niên được
bình chọn tốt nhất thường phải có trên 50% điểm tối đa cũng còn rất
khiêm tốn so với con số 700 doanh nghiệp niêm yết.
Sau chặng đường 10 năm, Ban Tổ chức tiếp tục nâng số thành viên Hội
đồng Bình chọn để phân tích Báo cáo thường niên kỹ lưỡng hơn, góp ý vào
báo cáo một cách chính xác nhất, giúp doanh nghiệp có định hướng nhằm
nâng cao chất lượng Báo cáo thường niên ở năm sau. Đây được xem là yếu
tố mang tính chất đòn bẩy trong việc nâng cao chất lượng Báo cáo thường
niên, bởi tại không ít doanh nghiệp, những người chịu trách nhiệm làm
Báo cáo thường niên đang cảm thấy khó khăn khi muốn nâng chất Báo cáo
thường niên cả về nội dung và hình thức.
Tổ chức hàng năm, liên tục đổi mới, đưa
ra thông điệp rõ ràng để doanh nghiệp niêm yết hưởng ứng và hành động là
cách thức mà Ban Tổ chức cuộc bình chọn thực hiện nhằm hoàn thành sứ
mệnh thúc đẩy, nâng cao chất lượng Báo cáo thường niên theo hướng chuẩn
mực, minh bạch, chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển bền vững. Hẳn
nhiên, đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp làm ăn
chân chính, cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm,
mong đợi.
Thu Hương