3 nhà đầu tư quan tâm đến gang thép Thái Nguyên?
Liên
quan đến dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô
đầu tư 8.104 tỷ đồng thua lỗ kéo dài, mới đây ông Trương Thanh Hoài, Vụ
trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đã có những thông tin chia
sẻ cụ thể với báo chí.
Theo ông Hoài, Bộ Công
Thương đang làm việc với các đơn vị thẩm định, sau khi có kết quả định
giá mới có phương án chính xác để xử lý dự án ngàn tỷ đắp chiếu này.
|
Bộ Công Thương tỏ ra lạc quan với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khi tuyên bố có 3 doanh nghiệp lớn đang quan tâm. |
Ông
Hoài cũng cho biết, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất
phương án xử lý đối với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và phương án xử
lý đối với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương đang
tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực
hiện công việc thẩm định giá đối với dự án.
Đặc biệt, chủ trương của Bộ Công Thương là không để nhà máy phải phá sản, song sẽ thực hiện thanh tra toàn diện dự án này.
Vụ
trưởng Vụ Công nghiệp nặng chia sẻ, quan điểm của Chính phủ là không đổ
thêm tiền vào dự án nhưng có thể sẽ có sự tham gia của các nhà đầu tư
tư nhân.
Tuy nhiên, dự án trên đang có nhiều tín
hiệu lạc quan khi có 3 nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam
đã ngỏ ý hỏi mua lại. Đáng chú ý trong số đó có Công ty Cổ phần Thương
mại Thái Hưng ở Thái Nguyên và trả giá hơn 1.500 tỷ đồng.
Bộ Công Thương quá lạc quan? Tuyên
bố của ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng được đưa ra
ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý nghiêm
trách nhiệm của những người đứng đầu, thậm chí cả người tham mưu xung
quanh 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ.
Theo Thủ tướng đối
với 12 nhà máy/dự án nghìn tỷ thua lỗ đang “đắp chiếu” của ngành Công
Thương cần phải quyết liệt xử lý, nếu để kéo dài thiệt hại càng lớn. Thủ
tướng chỉ đạo việc xử lý với lộ trình, cách làm cụ thể trên cơ sở công
khai, minh bạch.
Đối với những sai phạm, Thủ tướng
yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, kể cả người tham
mưu sai để ngăn chặn tham nhũng. Bao nhiêu ông vụ trưởng, bao nhiêu ông
tổng giám đốc tham mưu sai dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, thất thu cho
ngân sách cũng phải xử lý.
Trước đó, tại hội nghị
sơ kết sáu tháng đầu năm của Bộ Công thương tháng 7/2016, nói về dự án
gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Thủ tướng khẳng định, cơ chế hỗ trợ
của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho,
không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém.
“Không thể
cứ tiếp tục ném tiền vào những Gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ nữa”,
Thủ tướng khẳng định, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương cần ứng xử theo
mục tiêu thị trường.
Đánh giá về tính khả thi của
dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, GS TS Đặng Đình
Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học
KTQD Hà Nội cho rằng nên cho doanh nghiệp phá sản vì sẽ rất khó có
doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực thép trong bối cảnh thị trường thép
đang dư thừa hiện nay.
“Sắp tới hiệp định thuế
quan vào thì thép Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với thép của Nga và
của Belarus. Hiệp định TPP 2018 vào thì Việt Nam còn khốn khó nữa. Thép
các nước sẽ rõ ràng sẽ chất lượng hơn và rẻ hơn.
Thép
các nước có chất lượng hơn và rẻ hơn. Thép Việt Nam sẽ khó cạnh tranh
khi gia công, nhập phế liệu về để sản xuất cho ra thành phẩm. Bán sẽ rất
khó. Không phải thời điểm bây giờ mà nhiều năm trước đã tính đến khả
năng dư thừa thép”, ông Đào nhấn mạnh.
Chia sẻ
thêm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế,
Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, nếu doanh nghiệp hoạt động không
hiệu quả thì về nguyên tắc phải bán đi.
“Bán được
bao nhiều thì bán, dù có thể lỗ. Khi bán, chúng ta phải đưa ra các điều
kiện để làm sao thu được nhiều tiền nhất cho nhà nước. Nếu cứ để đó, nhà
nước phải tiếp tục bù lỗ thì sẽ không được.
(Nguồn tin: Đất Việt)